BẠN BÈ CPTU 20, LIPESK, LB NGA

Trang tin Bạn bè muốn đưa thông tin các Lưu học sinh học nghề, Trường dạy nghề chuyên nghiệp số 20, thành phố Lipesk, CH LB NGA

Trích đoạn Bài viết của một Lưu Học sinh Tai Liên xô

 

"Ngày 21/5/1982, chúng tôi sang Liên Xô. Khi ấy người trẻ nhất là tôi, 17, 5 tuổi. Người già nhất mới có 20 (không kể đội trưởng, phiên dịch). 
Chúng tôi đi xuất khẩu lao động theo tiêu chuẩn con cái của cán bộ nhà nước (gọi văn hoa hồi đó là đi lao động hợp tác). Có lẽ hồi đó lứa chúng tôi là một trong những lứa đầu tiên đi lao động xuất khẩu (trước đó nữa chỉ có đi học đại học hoặc trung cấp nghề), nhưng tôi không chắc lắm. (Cùng thời đó còn có lứa đi Đức và Tiệp chẳng hạn). 
Cách đó nửa năm, đã đi khám súc khỏe ở bệnh viện Nhi Thụy Điển, và chờ đợi. Nhưng khi đi thì bất ngờ. Chiều hôm trước 20/5/82, tôi còn ở nhà, thì một chú ở cơ quan bố mẹ tôi (nơi có chỉ tiêu đi theo diện con em), đến thông báo sáng mai tập trung nhận quần áo, tối mai ra sân bay. Thế là chiều hôm đó, bố mẹ tôi về, được tôi báo vậy, liền cuống lên nháo nhào, tôi cũng không nhớ cụ thể ra sao. Sáng hôm sau lên Bộ Lao Động ở Đinh Lễ (HN) để nhận tư trang mới: quần áo vài bộ, giày, túi du lịch. Sau đó ra Hàng Đào mua 1 cái kính giọt lệ gấp được (la mode thời đó) để có một tí trang bị cho oai vì đi Tây (nhà tôi hồi đó rât nghèo). Một số bạn giàu hơn thì mang đi quần bò, áo Nato, đồng hồ SK. 
Sau đó nhà làm cơm trưa chia tay, đến chiều lên Đinh Lễ chờ xe sang Nội Bài. (đi cầu Long Biên, chưa có cầu Thăng Long). Buổi chia tay đương nhiên là sướt mướt với gia đình, nhưng tôi thì không buồn lắm vì còn trẻ con nên háo hức vì được đi, vì phía trước là nước Nga, một nơi chưa từng biết, và lại không phải chịu sự kiểm soát của gia đình như trước nữa. Cũng không có khái niệm về thời gian là đi sẽ lâu như thế nào, chỉ biết là được đi. 

Vậy là tối đó sang Nội Bài. Đoàn HN chúng tôi gồm 9 người, quen nhau sơ sài trong lúc đi khám sức khỏe. Sang sân bay Tập hợp với đoàn Quảng Ninh và Hải Hưng, tất cả chừng 200 người. (Sau khi sang đến nơi, 1 tháng sau lại có Quảng Ninh và Hải Hưng sang thêm, vậy là vùng chúng tôi có tất cả 400 người). 

Chúng tôi đi bằng IL 62. Lần đầu tiên nhìn thấy và đi máy bay, rất ngạc nhiên và thích. Bay lúc 1h30 đêm, khỏang trưa hôm sau thì đến Khabarovsk thuộc Viễn Đông. Vậy là đã đặt chân vào nước Nga. Cảm giác không rõ lắm vì ai cũng mệt, đang đói kém lại bay dài nên sức khỏe yếu, có người còn bị nôn. Nhưng ấn tượng đầu tiên là một sân bay tỉnh lẻ nhưng còn đẹp hơn Nội Bài lúc đó, khí hậu mát lạnh dễ chịu (tháng 5). Một phòng lớn với nhiều bàn ăn đã bày sẵn, thức ăn là xúp gà và cottlet, tvorog... Nhiều người bỏ vì ăn không quen, chủ yếu chỉ ăn xúp và bánh mì. 
Chừng 2 tiếng sau, chuyển sang máy bay IL 18 cánh quạt bay tiếp. (Lúc đó chúng tôi vẫn còn chưa biết là sẽ đến đâu). Máy bay rất ồn và rung, như ngồi trong xe tăng. Lại ăn trên máy bay. Chừng vài tiếng sau, lúc đó là buổi chiều tối của Nga (khỏang 9h tối gì đó nhưng vẫn tràn ngập nắng, hạ cách xuống một sân bay nhỏ và vắng vẻ (nhỏ hơn Khabarovsk), sau này biết đó là sân bay Novokuznest, thuộc tỉnh Kemerovo. 
Cả đoàn theo chỉ dẫn của phiên dịch, lếch thếch xuống sân bay kéo nhau vào phòng đợi. Lúc đó nhớ lại thực sự là một không khí tưng bừng. Người Nga rất đông, với cờ hoa đón chào như chào những người chiến thắng trở về. (Sau này biết họ là cán bộ công nhân của nhà máy cử ra đón đồng nghiệp mới). Vậy là 200 người chia ra về theo 2 đòan, tức nhà máy khác nhau. Đoàn chúng tôi lên vài xe bus về thành phố, có xe cảnh sát hụ còi dẫn đường. Trên xe của tôi ngồi, có ngài giám đốc nhà máy đích thân ra đón. Ông không ngồi ghế, mà đứng gần cabin, rất vui và đang bốc đồng vì hình như có uống rượu rồi. Ông nói chuyện về thành phố, về nhà máy nơi chúng tôi sẽ làm (có phiên dịch dịch cho) và tự hát nữa - các bài hát Nga. Những bài ấy có một số chúng ta đã biết từ Việtnam, một số bài không biết, nhưng giai điệu thì phải nói rằng rất Nga, du dương buồn hoặc vui. Bên ngoài xe thì rừng bạch dương trong nắng chiều lùi lại phía sau. Phải nói đó là những trải nghiệm đầu tiên, suốt đời không thể nào quên đuợc. Những con người trẻ măng, vừa rời nhà ra đi chiều hôm trước đén một nơi xa lạ cách nhà trên 10 ngàn km, gia đình đã ở rất xa rồi, vậy mà được đón tiếp chu đáo nồng hậu, cảm thấy vui và tạm quên sự nhớ nhà. 
Xe vào thành phố thì trời đã tối hẳn, chắc phải 12h đêm nên không thấy gì. Xe chạy thẳng đến banhia (nhà tắm hơi). Vào đó mọi người bị thu hết quần áo tư trang, nhận số tích kê để nhận lại sau (đem đi tẩy trùng), su đo tồng ngồng vào nhà tắm. Xong, ra ngoài nhận quần áo mới: quần áo sơ mi, giày hè và đông, áo pantô, mũ lông vv ...Lại một túi đồ mới. Nhận xong, lên xe ra nhà ăn của nhà máy ăn đêm, lại các món Nga, có người lại không ăn được. Và lên xe về ký túc xá ở thị trấn Krasnui Kamen. Lúc đó chắc đã 2h sáng. Nhận phòng. Cảm giác là đẹp như khách sạn (mặc dù chưa từng biết khách sạn là như thế nào cả). Giường lò xo nệm trắng muốt, gối dựng nhọn hoắt, mỗi phòng xếp 2 người. Người Nga đi từng phòng, chỉ cách xếp gấp gối sau khi ngủ dậy, cách dùng nước nóng lạnh vv..Đến phòng tôi, sau khi hướng dẫn xong, tôi thấy muốn nói một câu gì đó cám ơn, nhưng không biết tiếng, đành nói rõ ràng từng chữ "cám ơn, chúc ngủ ngon". Họ cũng chẳng hiểu gì, nhưng rất vui vẻ (đoàn chúng tôi là đầu tiên đến thành phố này. Trước đó họ chưa từng gặp một người Việt Nam nào). 

Sáng hôm sau thức dậy, nắng đã tràn vào phòng. Buổi sáng đầu tiên trên đất Nga. Căn phòng có một mùi thơm rất đặc trưng - mùi của phòng mới sơn, mùi của Tây, khí trời thì mát dịu se lạnh, lạnh hơn mùa thu VN, nắng vàng nhạt. Ngoài phòng khách (một căn phòng có 2 phòng ngủ và 1 phòng khách), có một cái radio truyền thanh cứ phát nho nhỏ tiếng Nga gì đó không hiểu, góc phòng có 1 ấm điện. Ngoài cửa sổ, phía bên kia đường cách chừng 500m là khu dân cư Nga với những khối nhà trắng cao chừng 11 tầng. Mọi thứ thật thanh bình. Đó là trải nghiệm thứ 2 của tôi. 
Chúng tôi được gọi tập trung nghe phổ biến nội quy một lát, rồi được tự do đi chơi, 2 h chiều về tập trung tại stolovaia gần ký túc để ăn trưa. 

Vậy là chúng tôi, 9 người HN đã quen nhau sơ sài, tập trung thành một tốp, còn chưa biết cả tên nhau, nhưng ở đây cảm thấy có một mối gắn kết đồng hương, đi qua khu dân Nga thăm thành phố. Nó có vẻ khá nhỏ, đúng là một thị trấn, chỉ có một khu trung tâm gồm vài magazin và trên 10 khu chung cư lớn cao tầng, vài đường phố, còn xung quanh là đồi và rừng taiga, bạch dương. Lúc đó chúng tôi có hơi thất vọng vì tưởng Tây là phải nhà cao của rộng hiện đại ra sao. Một số người trong bọn tôi mang được một vài chục kopec do ở nhà cho mang sang làm kỷ niệm, tập hợp lại được gần 2 rup, thế là đi ăn kem và uống nước kvas. Phải nói kem rất ngon (vì trước đó chỉ biết kem Thủy Tạ và Tràng Tiền, nhiều đá ít kem). Sau này nhớ lại thật buồn cười vì một tốp malchich đầu đen nhỏ bé, đứng một góc đường ăn kem. Có một số người Nga ra làm quen nhưng không biết nói gì, chỉ ra hiệu và cười mà thôi. 
Sau đó chúng tôi vào khu dân Nga. Mọi người lấp ló sau cửa sổ quan sát chúng tôi, tất nhiên với vẻ tò mò thiện cảm chứ không như sau đó vài năm. Dạn dĩ nhất là các thanh niên Nga trai và gái, về tầm thước thì bằng chúng tôi nhưng tuổi chỉ là 13 hoặc 15, ra làm quen. Vậy là nói chuyện bằng tay chân ra hiệu, và giở sổ tay tiếng Nga ra chỉ vào từ cần nói (được cấp cho trong sáng nay ở ký túc). Rồi cũng hiểu nhau hết. Chúng nó mang đàn ghita ra mời chơi. Bọn chúng tôi có một vài thằng biết đánh đàn từ HN, vì vậy biểu diễn cho chúng nghe các bản thời thượng lúc đó ở HN như "hotel California" cua nhóm Eagle, rồi Abba vv.. bằng tiếng Anh bồi, chúng rất thích vì hóa ra đó cũng là thời thượng lúc đó ở vùng này. Chúng cũng hát lại cho chún tôi nghe những bài đó bằng tiếng Nga, nghe rất buồn cười. Vậy là quen thân rất nhanh, tuổi trẻ mà. Sau đó còn hẹn nhau ngày mai gặp tiếp ở chỗ đó.

 

 

NHững cảm xúc - Hình ảnh về Thành phố Lipesk, Trường Dạy nghề CPTU 20, Nhà máy Luyện kim, Nhà máy Trator, ...



Lớp Luyện Kim 1983-1986



Anh Tuấn - Chủ nhiệm Chính trị - Nhà máy Z1- Thanh hóa
Anh Khiển - Nhà máy Đóng Tàu Vinashin - Thanh hóa


 

tumico@tumico.com.vn; tuminh@tuminh.com.vn;